Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này trong Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2021 trưa 14/11.
Tri ân những hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hơn 70 năm qua, nền giáo dục cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với sự phát triển của nền giáo dục, đội ngũ nhà giáo cũng ngày càng lớn mạnh cả về số lương và chất lượng; có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Danh hiệu vinh dự Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, đồng thời cũng biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy, các cô và đòi hỏi mỗi thầy cô phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vinh dự mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
7 Nhà giáo Nhân dân, 72 Nhà giáo Ưu tú và 191 nhà giáo tiêu biểu của cả nước được tuyên dương hôm nay, theo Bộ trưởng là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho hàng triệu nhà giáo đang lặng lẽ, miệt mài ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" trên khắp mọi miền đất nước.
Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp, nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số lớp học. Đó là những giáo viên không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh vừa qua…
Bộ trưởng cũng chia sẻ: Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Trong giai đoạn khó khăn này, các thầy cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng. Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó, không chỉ trong giai đoạn “thích ứng tạm thời” hiện nay, mà còn trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng ghi nhận và tri ân những hy sinh, cống hiến thầm lặng của toàn thể đội ngũ nhà giáo trong suốt 2 năm vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ trái qua), ông Nguyễn Ngọc Ân (ngoài cùng bên phải) trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ảnh: Đình Tuệ
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo
Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do đội ngũ nhà giáo quyết định. Do đó, một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới được thành công.
Giai đoạn đầu đổi mới vừa qua, mỗi thầy cô giáo đều đã và đang cố gắng nỗ lực để hòa vào “dòng chảy” chung của quá trình đổi mới của ngành. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn đặt ra còn rất nhiều, vì vậy, yêu cầu đối với nhà giáo là phải sẵn sàng tâm thế cho sự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Vẫn biết còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy cô, song với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập lạc hậu, để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ và đồng hành cùng tất cả các thầy, các cô.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay sẽ có nhiều giáo viên không được hưởng niềm vui trọn vẹn, khi dịch bệnh vẫn còn tác động, ảnh hưởng tới đời sống, công việc của các thầy cô.
Cảm ơn các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, cần mẫn, sáng tạo, luôn say mê với sự nghiệp “trồng người” nhiều vất vả, Bộ trưởng gửi gắm: Chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà trước mắt sẽ còn nhiều chông gai, trọng trách của những người giữ vai trò “quyết định thành công đổi mới” sẽ còn nặng nề, nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ cùng nhau để hoàn thành được trọng trách ấy.
Cùng ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi chúng ta càng tự hào về vị trí xã hội, sự vinh quang của nghề nghiệp và càng ý thức hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ học sinh và toàn xã hội. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, đồng thời cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình, để có những đóng góp xứng đáng cho ngành, cho địa phương và cho đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/