Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới: Thay đổi cách dạy và học

Từ năm 2025, đề thi tốt nghiệp THPT có thêm 2 dạng thức mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn...

Nhiều năm nay, học sinh quen với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, từ năm 2025, đề thi tốt nghiệp THPT có thêm 2 dạng thức mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn. Điều này đòi hỏi giáo viên có giải pháp giúp học sinh làm quen, tiến tới thành thạo dạng thức câu hỏi mới trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Sớm tiếp cận định dạng câu hỏi

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Ban chuyên môn Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) cùng giáo viên tổ bộ môn đã phân tích, đánh giá cấu trúc đề. Giáo viên bộ môn xây dựng câu hỏi, bài tập theo dạng thức mới lồng ghép trong các bài học.

Chia sẻ của cô Bùi Thị Thơ - giáo viên nhà trường, bắt đầu từ học kỳ II năm học này, bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ của khối 10, 11 được xây dựng như cấu trúc đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố. Sau đó, giáo viên phân tích, chỉ ra sai lầm thường gặp, cách hỏi, làm… nhằm khắc sâu kiến thức, giúp học sinh hiểu rõ phương án giải quyết, tiếp cận với dạng mới.

Nhà trường đồng thời tổ chức lớp phụ đạo để nâng cao chất lượng bộ môn. Theo đó, khối 10 tổ chức phụ đạo Toán, Ngữ văn; khối 11 phụ đạo Toán, Ngữ văn và 2 môn khác dựa trên nguyện vọng đăng ký của học sinh. Giáo viên cung cấp thêm bài tập chứa dạng thức mới để các em rèn kỹ năng giải quyết loại câu hỏi này.

Tuy nhiên, cô Bùi Thị Thơ cũng chia sẻ khó khăn khi cho học sinh làm quen dạng thức câu hỏi mới. Theo đó, kênh thông tin tham khảo, ngân hàng câu hỏi dạng thức mới còn ít; đòi hỏi thầy cô phải tự bồi dưỡng, đổi mới chính mình, nâng cao năng lực thường xuyên. Làm được các dạng thức mới phải hiểu bản chất kiến thức; tuy nhiên học sinh Trường THPT Mường Chiềng điểm đầu vào môn Toán thấp, khả năng nhận thức hạn chế...

 

Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), theo thầy Lê Quốc Phi - Tổ trưởng Tổ Vật lý Công nghệ, giáo viên đã cho học sinh kiểm tra thường xuyên, bài cũ, mở đầu và củng cố bài học theo từng dạng thức câu hỏi mới; kiến nghị nhà trường kiểm tra giữa, cuối kỳ khối 10, 11 có dạng câu hỏi mới này. Đồng thời, câu hỏi dạng thức mới được biên soạn, bổ sung vào ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm.

Khó khăn của nhà trường là dạng thức câu hỏi mới yêu cầu học sinh phát huy nhiều năng lực thành phần; trong khi các em chưa quen nên còn lúng túng. Với giáo viên, khó khăn là cần thời gian để biên soạn, điều chỉnh, bổ sung ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và xây dựng ma trận, bảng đặc tả theo dạng thức câu hỏi mới; cần tạo mẫu phiếu trả lời câu hỏi theo yêu cầu từng đợt kiểm tra; chưa có phần mềm hỗ trợ chấm phiếu trả lời trắc nghiệm theo dạng thức câu hỏi mới.

Cô Vũ Thị Anh - Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, sau khi phương án thi, đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố, nhà trường đã thông tin đến học sinh lớp 11 để chủ động kế hoạch học tập. Bên cạnh dạy học theo khung thời gian năm học, nhà trường cho học sinh đăng ký học các môn từ kỳ II lớp 11 để củng cố kiến thức, làm quen những đổi mới của kỳ thi.

“Là giáo viên Lịch sử, tôi đã xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng gọn hơn, tập trung vào mạch kiến thức quan trọng, để học sinh dễ tiếp thu bài học. Dạng thức đề thi mới sẽ hạn chế tình trạng học sinh “học tủ”. Do đó, cùng với đổi mới trong giảng dạy, cần đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa và cuối kỳ phù hợp với định hướng đề thi minh họa”, cô Vũ Thị Anh cho hay.

Ảnh minh họa ITN.

Cần dạy và học thực chất

Theo thầy Trần Văn Tỏ - giáo viên môn Toán, Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên), tâm lý “học để thi” vẫn ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người. Chương trình GDPT 2018 tiến tới học thật, thi thật, nên việc dạy và học sẽ chuyển biến theo để chuẩn bị tốt nhất cho các bài kiểm tra, bài thi theo định dạng mới.

Chẳng hạn, dạng câu hỏi đúng/sai, học sinh phải trả lời 16 ý và thể hiện sự thông hiểu một cách thấu đáo kiến thức đã học trong chương trình. Ngoài ra, các đề bài cần xuất phát từ vấn đề cụ thể của cuộc sống (liên quan tới vùng miền, ngành nghề, món ăn, chi tiết kỹ thuật,…).

“Đề kiểu mới sẽ thay đổi cách dạy, học, kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Để việc phân loại học sinh tốt hơn nữa, đề phải đủ 4 mức độ: Nhận biết (3 điểm), thông hiểu (4 điểm), vận dụng (2 điểm), vận dụng cao (1 điểm). Từ đó, khuyến khích việc dạy, học Toán và thuận lợi cho tuyển sinh ĐH”. Chia sẻ điều này, thầy Trần Văn Tỏ lần nữa nhấn mạnh học sinh cần học thực chất để hiểu bản chất vấn đề; không học vẹt, đối phó.

Đề thi kiểu mới triệt tiêu học tủ, học lệch hay dự đoán nội dung sẽ và không thi; các kiến thức Toán hỗ trợ cho nhau, thiếu cái này có thể ảnh hưởng đến cái kia. Cần tìm hiểu nguồn gốc, mở rộng, tổng quát hóa; cùng đó tìm hiểu ý nghĩa, tính ứng dụng, thực tế vấn đề. Rèn thói quen đưa Toán vào thực tế và ngược lại sẽ giúp học sinh yêu Toán, giải quyết vấn đề cuộc sống tốt hơn.

“Để đạt điểm cao với đề thi này, kỹ năng tính toán tốt cũng quan trọng. Học sinh có thể tiết kiệm được thời gian và không mắc lỗi dẫn đến kết quả sai. Các em cần rèn luyện ngay trong quá trình học, làm bài tập, kiểm tra tại lớp; rút ra kinh nghiệm để cải thiện bản thân”, thầy Trần Văn Tỏ lưu ý thêm.

 

Chia sẻ kinh nghiệm giúp học sinh làm tốt dạng thức câu hỏi mới, thầy Bùi Ngọc Quyết - Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) nhấn mạnh đầu tiên đến việc chủ động nắm chắc kiến thức theo từng bài một cách thực chất và rèn luyện kỹ năng tính toán thành thạo. Cần rèn tính cẩn thận, chính xác trong làm bài, nhất là dạng thức câu hỏi đúng/sai, vì chỉ sai 1 ý/câu là mất 0,5 điểm. Học sinh xét tuyển ĐH, CĐ cần rèn kỹ năng đọc hiểu đề để phân tích, tìm mối liên hệ giữa các yếu tố; từ đó đưa về mô hình tính toán, tư duy phù hợp.

 

Giáo viên trong quá trình giảng dạy cần bám sát mục tiêu chương trình môn học; đưa vào dạng thức câu hỏi mới để học sinh làm quen và khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Giáo viên cũng cần có biện pháp giúp đỡ, giao nhiệm vụ, định hướng nội dung kiến thức với cấp độ tư duy phù hợp từng học sinh.

Quá trình xây dựng câu hỏi, thầy cô bám sát mục tiêu bài học; khai thác triệt để kiến thức, tình huống, vấn đề liên quan (có thể lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa và thực tiễn). Dựa vào đó giúp học sinh nhận định, phân tích, phân dạng câu hỏi để có định hướng ôn tập phù hợp, hiệu quả. Thầy Bùi Ngọc Quyết

Theo:giaoducthoidai.vn

0
0 Đánh giá
5
0%
0 Đáng giá
4
0%
0 Đáng giá
3
0%
0 Đáng giá
2
0%
0 Đáng giá
1
0%
0 Đáng giá

Nội dung bình luận