Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Đưa định dạng câu hỏi trắc nghiệm mới vào kiểm tra, đánh giá

Đưa định dạng câu hỏi trắc nghiệm mới vào kiểm tra, đánh giá là cách giúp học sinh có thể làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Giáo viên phải tìm hiểu, cập nhật về dạng thức mới

Thầy Trần Văn Tỏ, giáo viên Toán Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thêm 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới.

Thứ nhất là dạng thức câu hỏi chọn đúng/sai. Với dạng này, câu càng khó, điểm càng cao sẽ kích thích việc học hỏi, tìm tòi của học sinh. Cụ thể, các ý dễ (a, b) thể hiện năng lực tư duy và lập luận; các ý khó hơn (c, d) thể hiện năng lực giải quyết vấn đề. Học sinh khá, giỏi, có khả năng tư duy sâu mới có thể làm được các ý c, d.

Thứ hai là dạng thức câu hỏi trả lời ngắn. Các câu hỏi tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề và mô hình hóa toán học.

Để giúp học sinh làm quen, thông thạo với dạng thức câu hỏi mới, theo cô Bùi Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình), trước hết giáo viên phải hiểu biết và cập nhật kiến thức về các dạng thức mới; từ đó mới hướng dẫn học sinh giải quyết các câu hỏi một cách hiệu quả. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên xây dựng các ví dụ/câu hỏi có dạng thức câu hỏi mới phù hợp với học sinh theo từng thời điểm.

Cùng với đó, quá trình xây dựng đề/ma trận theo dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới, thầy cô cần làm rõ mục tiêu của từng câu hỏi, từng đề kiểm tra; các câu hỏi cần đánh giá năng lực nào của học sinh. Qua đó, lựa chọn câu hỏi, mức độ nhận thức sao cho phù hợp. Có sự điều chỉnh trong quá trình triển khai qua phản hồi từ phía học sinh và giáo viên khác…

Chia sẻ kinh nghiệm giúp học sinh làm tốt dạng thức câu hỏi mới, thầy Giáp Văn Khương, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) nhấn mạnh đầu tiên đến việc thực hiện đúng theo Chương trình GDPT mới 2028 và theo các hướng dẫn của Bộ/Sở GD&ĐT, nhà trường, tổ chuyên môn; dạy học bám sát yêu cầu cần đạt; hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh thông qua mỗi bài học đúng mục tiêu.

 

Cùng với tăng cường áp dụng kiến thức bài học vào thực tiễn, liên môn, khi giảng dạy, giáo viên cần tìm hiểu, phân tích bài toán thấu đáo. Cần thiết kế các đề ôn tập cho mỗi bài học và đề thi thử cho học sinh luyện tập, thi thử theo cấu trúc mới để các em làm quen dần với dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cần giải pháp giúp thí sinh làm quen, thông thạo với định dạng câu hỏi mới. Ảnh: Xuân Phú.

Đưa vào kiểm tra thường xuyên, định kì

Về vấn đề này, thầy Trần Văn Tỏ cho rằng, nhà trường cần ra đề kiểm tra thường xuyên, định kì theo hướng có câu hỏi ở hình thức mới.

Học sinh cũng có thể làm quen qua làm các bài tập trắc nghiệm, tham gia cuộc thi trắc nghiệm trên các phần mềm trực tuyến, hoặc tham gia các khóa học trực tuyến. Bằng cách thực hành nhiều bài tập và kiểm tra kiến thức của mình, học sinh sẽ nâng cao khả năng nhận biết và chọn đúng/sai; đồng thời tránh nhầm lẫn.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng câu hỏi/đề kiểm tra nhằm rèn luyện cho học sinh dạng thức câu hỏi mới, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) lưu ý, giáo viên cần bám sát theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT để xây dựng câu hỏi/đề kiểm tra.

 

Trong các buổi sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, thầy cô tăng cường trao đổi kinh nghiệm việc xây dựng câu hỏi và lên kế hoạch phân công xây dựng câu hỏi/đề kiểm tra theo cấu trúc của Bộ GD&ĐT. Trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi, chia sẻ nâng cao chuyên môn.

Cô Vũ Thị Anh đồng thời cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để chuẩn bị hiệu quả cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá sao cho đáp ứng được yêu cầu mới.

Đặc biệt, cần nâng cao được chất lượng giảng dạy chính khoá, giúp cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản; trên cơ sở đó ứng dụng được vào những bài tập mang đặc trưng là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Thầy Lê Quốc Phi, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) thì nhấn mạnh việc học sinh phải học thực chất, không học vẹt, học đối phó, tự tóm tắt chủ đề. Các em cũng cần rèn luyện kỹ năng tính toán tốt ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp; rút ra những kinh nghiệm riêng để từng bước nâng cao năng lực bản thân.

Với giáo viên, cần thường xuyên kiểm tra bài cũ, mở đầu bài học, củng cố bài học tiết dạy, kiểm tra thường xuyên theo các dạng thức câu hỏi mới. Nhà trường chủ động chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo các dạng thức câu hỏi mới.

 

Đồng thời, Hội đồng bộ môn chủ động tập tổ chức tập huấn, hội thảo để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận và bảng đặc tả tương ứng theo các dạng thức câu hỏi mới.

 

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:

Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam.

Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.

Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.

 

Theo giaoducthoidai.vn

0
0 Đánh giá
5
0%
0 Đáng giá
4
0%
0 Đáng giá
3
0%
0 Đáng giá
2
0%
0 Đáng giá
1
0%
0 Đáng giá

Nội dung bình luận