Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Giao bài tập về nhà dịp Tết: Nên hay không?

GD&TĐ - Quan điểm không nên giao bài tập về nhà dịp Tết, nhất là với học sinh nhỏ tuổi được cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chuyên gia ủng hộ.

Những ngày nghỉ Tết là thời gian thích hợp để cha mẹ gần gũi và tạo điều kiện để trẻ học kỹ năng sống. Ảnh minh họa: Hữu CườngNhững ngày nghỉ Tết là thời gian thích hợp để cha mẹ gần gũi và tạo điều kiện để trẻ học kỹ năng sống. Ảnh minh họa: Hữu Cường

Nghỉ Tết: Nhiều việc làm ý nghĩa hơn là giải bài tập 

Là giáo viên Toán, dạy học sinh THPT, nhưng thầy Hà Văn Long (Trường THPT Yên Dũng số 2, Bắc Giang) thường không ra bài tập cho học sinh dịp nghỉ Tết, mà chỉ nhắc nhở trò thỉnh thoảng tự ôn bài. Thầy Long cho rằng, bản thân không phản đối việc thầy cô cho học sinh bài tập dịp này, nhưng không nên giao nhiều. “Học sinh của tôi vẫn ổn dù không có bài tập khi nghỉ Tết. Tôi cho rằng, đây là thời gian các em quây quần bên gia đình; trải nghiệm những gì thuộc về truyền thống, hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của ngày Tết. Do đó, trước khi nghỉ Tết, tôi thường dặn học trò giúp đỡ bố mẹ, vui chơi lành lạnh. Còn trong bối cảnh dịch bệnh điều quan trọng nhất là thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, giữ gìn sức khỏe” – thầy Long nêu quan điểm.

Cô Lê Thị Hải Anh, giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội)  cho rằng: Có thể giao bài tập ở mức vừa phải để củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9 và học sinh THPT, nhưng với các lớp bé hơn thì không nên. “Bộ GD&ĐT chủ trương tránh quá tải cho học sinh, giờ thầy cô lại giao quá nhiều bài tập trong thời gian nghỉ Tết, tăng áp lực cho học sinh là không nên” – cô Hải Anh cho hay.

“Trước đây, tôi từng lo lắng nếu không giao bài tập, học sinh sẽ quên kiến thức, thói quen nền nếp học tập; nghĩ quá nhiều về điểm số, tỷ lệ tốt nghiệp, số học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng giáo dục như thế chỉ dành cho số ít học sinh; trong khi đó, cần quan tâm đến những học sinh ít thuận lợi hơn về kinh tế, học lực, những học sinh thiếu may mắn…”. Chia sẻ suy nghĩ này, thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) cho rằng: Khi học sinh đủ hạnh phúc sẽ học tập hiệu quả hơn. Bởi vậy, thay vì ra bài tập về nhà, theo thầy Quý, nên nhắn nhủ học sinh nghỉ ngơi, trò chuyện nhiều hơn với ông bà, cha mẹ, giúp đỡ gia đình dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Nhóm học sinh có điều kiện có thể cùng nhau tình nguyện hỗ trợ các bạn cùng trường có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh bày tỏ tình cảm trực tiếp với người thân; nói những lời cảm ơn chân thành vào ngày đầu năm mới với gia đình, người thân, bạn bè… “Tuy nhiên, nếu đêm Giao thừa, học sinh nào ham học có thể chọn 1 bài tập nhẹ nhàng để giải, xem như khai bút đầu xuân” – thầy Quý nhắn nhủ.

Cùng quan điểm như trên, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho rằng: Không nên giao bài tập để học sinh có 1 tuần ăn Tết vui vẻ. Riêng với tiểu học, các trường tổ chức 2 buổi/ngày nên HS quen với việc không giao và giao ít bài tập. “Nghỉ Tết 1 tuần là không dài, không lo học sinh quên kiến thức mà nên cho các em nghỉ trọn vẹn, coi như nghỉ ngơi sau 1 học kỳ học tập liên tục. Như thế, học sinh học tập sau Tết sẽ hứng khởi hơn” – ông Hà Huy Giáp lưu ý.

Ảnh minh họa: Thiên Thanh

Giao gì không quan trọng bằng cách giao

Toàn ngành Giáo dục đang chuyển trọng tâm sang giáo dục phát triển năng lực, các thầy cô giáo cũng hiểu cần tăng cường và cân bằng việc “dạy người” so với “dạy chữ”. Thế nhưng, rất nhiều thầy cô vẫn lo lắng về việc nếu không giao bài tập về nhà, học sinh sẽ quên kiến thức, trễ nải học tập. 

Đưa thực tế này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, một ngày số lượng thông tin, kiến thức sản sinh ra luôn vượt quá khả năng tiếp nhận và xử lý của con người. Chúng ta sẽ không thể kỳ vọng học sinh sẽ dành mọi thời gian có thể có để ôn luyện, ghi nhớ kiến thức. Học trò sẽ cần người thầy hỗ trợ hướng dẫn về phương pháp để tìm kiếm tri thức, có chiến lược phân tích, tổng hợp để rút ra những quy luật riêng áp dụng vào cuộc sống của mình. Các con sẽ không cần những bài tập chỉ để khỏi quên thông tin kiến thức.

Khảo sát về triển vọng các kỹ năng của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng cho thấy: Những kỹ năng trước đây được đánh giá cao nhưng hiện tại bị suy giảm. Hàng đầu là “sự khéo léo, độ bền và chính xác” tiếp theo là “khả năng ghi nhớ lời nói, hình ảnh, không gian”, “đọc, viết, tính toán nhanh trôi chảy” hay “khả năng diễn thuyết”. Thay thế vào đó là: “Tư duy phân tích và đổi mới”; “phương pháp học tập và thái độ tích cực”; “sáng tạo độc đáo”. Đơn giản là máy tính và công nghệ sẽ làm tốt hơn con người về khả năng ghi nhớ, tính toán trôi chảy, hay sự khéo léo và độ bền. Vậy câu hỏi đặt ra là những bài tập được giao sẽ phục vụ cho mục tiêu nào? Chỉ là khả năng tính toán nhanh, ghi nhớ tốt hay sự sáng tạo và tư duy phản biện. Nếu chỉ tính toán nhanh hay ghi nhớ tốt chỉ cần hướng dẫn các con sử dụng một công cụ công nghệ là đủ.

Để phát huy năng lực người học cần nhiều cách giáo dục khác nhau hơn là cách làm truyền thống. Ảnh minh họa 

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giao bài tập cũng là một trong những hoạt động kiểm tra đánh giá nhằm mục tiêu khuyến khích học trò học tập và thúc đẩy sự phát triển. Vì vậy có giao bài tập hay không không quan trọng. Quan trọng là thầy cô giao bài tập như thế nào. Nếu việc giao bài tập chỉ xuất phát từ nỗi lo sợ trò quên kiến thức; hay sâu xa hơn là nỗi lo học sinh không đáp ứng chuẩn, thua kém so với lớp khác, phải tốn công dạy lại; từ đó thầy cô không đạt thành tích như kỳ vọng, chúng ta đã không vì học sinh, không lấy học sinh làm trung tâm. Giao bài tập mà khiến cho phụ huynh lo lắng, học trò ngao ngán, ám ảnh, thậm chí đối phó bằng cách mượn vở bạn để chép liệu có đạt mục tiêu giáo dục như các thầy cô đã kỳ vọng?

Nhưng bài tập Tết, theo PGS Trần Thành Nam, cũng không phải con “ngáo ộp”. Miễn là các thầy cô đừng quan niệm bài tập chỉ là nhớ kiến thức lý thuyết khô khan. Hãy biến bài tập thành các nhiệm vụ hứng khởi, qua đó học sinh được trải nghiệm giá trị và ý nghĩa của Tết truyền thống; trao cho học trò cơ hội để tự tay giúp gia đình những công việc chuẩn bị, để biết tri ân nguồn cội. Như vậy, danh sách các bài tập của thầy cô giao có thể là giúp bố mẹ, ông bà một việc để đón Tết; tự tay làm một món ăn chuẩn bị cho ngày Tết; khai bút viết về những kế hoạch và dự định trong năm mới; dành tiền lì xì để giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn mà em biết… 

Tấm lòng, sự sáng tạo của thầy cô sẽ mang đến nhiều bài tập Tết truyền cảm hứng và tạo động lực học tập tốt hơn nữa cho học trò. Tôi tin như vậy. - PGS Trần Thành Nam 

Nguồn: Báo giaoducthoidai.vn

0
0 Đánh giá
5
0%
0 Đáng giá
4
0%
0 Đáng giá
3
0%
0 Đáng giá
2
0%
0 Đáng giá
1
0%
0 Đáng giá

Nội dung bình luận