Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

 Dân chủ - Đoàn kết - Tâm huyết
Sáng tạo - Nêu gương

Phòng GD&ĐT Quận Đống Đa

Trường THCS Thái Thịnh - Hà Nội

131A Phố Thái Thịnh - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Giáo dục Thủ đô 60 năm hội nhập và phát triển

(GDTĐ) - Không chỉ tăng cường mở rộng hợp tác, giao lưu giáo dục với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngành GD&ĐT Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước trực tiếp quản lý các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài giúp hội nhập sâu rộng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và hạn chế rủi ro. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố 60 năm qua đã không ngừng tìm kiếm cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Xu thế tất yếu

Có thể nói, từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, Đảng và nhà nước luôn chú trọng việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không chỉ đối ngoại về chính trị, nước ta đã đa dạng hóa hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực và trong đó hợp tác giáo dục được đặc biệt quan tâm. Hợp tác giáo dục thể hiện rõ nhất tại Hà Nội, Thủ đô của cả nước. Chiến thắng trên mặt trận ngoại giao và chiến thắng trên chiến trường luôn có sự gắn bó tạo nên sức mạnh tổng hợp. Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác giáo dục của nước ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng phải kể đến năm 1986, khi cả nước thực hiện công cuộc đổi mới với phương châm “chủ động thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước” và đặc biệt phát triển mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.

Có thể nói, hợp tác quốc tế của giáo dục Thủ đô từ những năm sau đổi mới được thể hiện rõ ràng nhất trên 3 lĩnh vực. Thứ nhất, cùng với sự gia tăng số học sinh du học là sự bùng nổ của các trung tâm tư vấn du học (TVDH) mà sau này công tác quản lý đã được giao cho Sở GD&ĐT Hà Nội. Thứ hai là sự ra đời và phát triển của ngày càng nhiều cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và thứ ba là các hoạt động, giao lưu hợp tác với các tổ chức giáo dục, cơ sở giáo dục trên thế giới.

Theo thống kê năm 2005, Hà Nội có 55 tổ chức làm dịch vụ TVDH trên địa bàn Thành phố, được chia thành các loại hình: Trung tâm thuộc các Bộ; trung tâm thuộc các Hội hữu nghị, Hội khoa học kỹ thuật, Hội khuyến học…; các công ty TNHH kinh doanh nhiều ngành nghề trong đó có dịch vụ tư vấn du học tự túc. Tuy số lượng trung tâm TVDH tăng nhưng công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Một số trung tâm xin Giấy phép của Bộ kế hoạch đầu tư, còn đa số hoạt động như các doanh nghiệp thì xin Giấy phép kinh doanh của UBND thành phố, của Sở kế hoạch và đầu tư. Theo quy định sau khi xin phép thành lập, các tổ chức phải làm thủ tục trình UBND Thành phố xin đăng ký hoạt động. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở chỉ có giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập mà chưa có những văn bản chứng tỏ đã hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng phất lờ việc quản lý của cơ quan chuyên môn. Chương trình không được cơ quan Việt Nam nào thẩm định. Trong khi đó, những cơ sở nghiêm túc, chất lượng muốn thực hiện đúng thủ tục cũng không được hướng dẫn.

Theo Th.S Đỗ Doãn Hải – nguyên Phó trưởng phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài, giai đoạn này Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa được giao trách nhiệm quản lý các trung tâm TVDH và các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Việc quản lý chưa chặt chẽ đã dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc, trong đó vụ việc lớn nhất phải kể đến là sự đổ bể của trung tâm Anh ngữ SITC năm 2005. Từ đó, công tác quản lý các trung tâm TVDH, ngoại ngữ, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài ngày càng được các cơ quan quản lý quan tâm.

Ngày 01/03/2005, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 25/2005/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT trong đó nêu rõ: Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình UBND Thành phố việc cấp phép hoạt động của các tổ chức dịch vụ du học tự túc trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Sau đó, Sở đã tiến hành khảo sát một số tổ chức làm dịch TVDH trên địa bàn thành phố, đồng thời đã biên soạn và tổ chức nhiều cuộc Hội thảo với sự tham gia của các sở ban ngành của Thành phố để trình UBND Thành phố Dự thảo “Quy định về việc cấp giấy phép hoạt động và quản lý hoạt động các tổ chức dịch vụ tư vấn du học tự túc trên địa bàn Hà Nội”. Kết quả, ngày 20/12/2006 UBND Thành phố đã ra Quyết định số 234/2006/QĐ-UBND ban hành “Quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động các tổ chức dịch vụ tư vấn du học tự túc trên địa bàn Hà Nội”, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này và yêu cầu tất cả các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TVDH trên địa bàn thành phố phải làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động tại Sở GD&ĐT Hà Nội.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã tích cực tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý các trung tâm TVDH trước hết vì tính cấp thiết của vấn đề. Vào giai đoạn đó, mỗi năm, chúng ta mất hơn 400 triệu đô la của học sinh du học tự túc nhưng kết quả học không đạt chất lượng, thậm chí nhiều học sinh bị lừa gạt theo học những chương trình không có giá trị pháp lý hay bằng cấp giả. Dù chỉ mang tính tạm thời nhưng cho tới nay Quy định của Thành phố là văn bản rất có giá trị và là văn bản đầu tiên trên cả nước quy định rõ ràng về quản lý các cơ sở TVDH. “Cây gậy pháp lý” này là công cụ hiệu quả để dẹp bỏ những cơ sở TVDH không đạt chất lượng.

Về các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (CSGDNN), năm 2005 Hà Nội có hơn 20 CSGDNN, bao gồm ở các cấp học Mầm non, Phổ thông tới các Trung tâm ngoại ngữ. Loại hình hoạt động đa dạng gồm cơ sở giáo dục do người nước ngoài đầu tư với 100% vốn nước ngoài; Cơ sở giáo dục 100% vốn Việt Nam nhưng đối tượng học sinh là con em người nước ngoài; Cơ sở giáo dục do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư; Một số trường dân lập, trung tâm ngoại ngữ có sử dụng giáo viên nước ngoài.

Khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, việc quản lý các CSGDNN còn rất nhiều lỗ hổng. Cụ thể chương trình giảng dạy tại các Trung tâm ngoại ngữ và các trường Mầm non hầu như chưa được các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của phía Việt Nam xét duyệt. Có nhiều giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại các CSGDNN. Tại các Trung tâm ngoại ngữ, các giáo viên nước ngoài đều nhập cảnh có phép, nhưng hầu hết chưa có đăng ký lao động (work permit) với nhà chức trách Việt Nam, đồng thời chưa hề có việc kiểm tra văn bằng hoặc chứng chỉ hành nghề của các giáo viên nước ngoài. Hầu hết các CSGDNN thường không nhận được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động do các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam gửi tới. Các CSGDNN sau khi xin được đăng ký thành lập do Bộ Kế hoạch đầu tư hoặc UBND Thành phố cấp thì gần như không còn chịu bất cứ sự quản lý trực tiếp nào của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND giao Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn lãnh thổ đối với các CSGDNN, theo như điều 31 của Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ.

Sau khi đất nước mở cửa và hội nhập, các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục của Hà Nội diễn ra mạnh mẽ và ngày càng được tăng cường. Chỉ tính riêng năm học 2006 – 2007, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp đón hơn chục đoàn giáo dục sang thăm và làm việc. Trong đó phải kể đến, việc tham gia hoạt động của Dự án Awaree với Tổ chức Citynet (Nhật Bản). Đón tiếp và tổ chức Hội thảo, tham quan các trường học cho các đại biểu của Citynet; Thăm và làm việc tại Sở giáo dục Nam Ninh, Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 9/2006. Đón tiếp Đoàn đại biểu Sở giáo dục Nam Ninh thăm và làm việc tại Hà Nội; tham gia Hội đồng tư vấn cho Dự án Giáo dục môi trường và Dự án Công nghệ thông tin của Tổ chức VVOB (Vương quốc Bỉ); phối hợp với Đại sứ quán Úc tổ chức Hội thảo về giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên một số trường THPT Hà Nội; đón tiếp và làm việc với TA Management Pte Ltd Singapore, xây dựng hợp tác trong phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo giữa Hà Nội và Singapore….

Để tăng cường khả năng hợp tác, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức tư tưởng và bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến hội nhập quốc tế. Tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ, chuyên viên Sở; tiếng Anh cơ bản cho giáo viên các bộ môn và các lớp nâng cao cho giáo viên dạy tiếng Anh. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác quốc tế.

Những bước chuyển mạnh mẽ

Năm 2008 đánh dấu bước phát triển mới trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế của giáo dục Thủ đô. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính là sự ra đời của Phòng giáo dục có yếu tố nước ngoài (GDCYTNN), thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Từ đây, công tác hội nhập quốc tế của ngành giáo dục Hà Nội đã đi vào chuyên nghiệp hơn. Sự ra đời của Phòng GDCYTNN xuất phát từ nhu cầu của thực tế trong công tác phát triển giáo dục khi hợp tác là xu thế tất yếu. Ngành giáo dục cần có một phòng ban vừa làm công tác quản lý, vừa hướng dẫn các cơ sở giáo dục để tăng cường cơ hội, vượt qua thách thức trong công tác hợp tác, giao lưu quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - nguyên Trưởng phòng GDCYTNN cho biết: “Rất nhiều cuộc họp được tổ chức nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của phòng GDCYTNN. Vấn đề đầu tiên là phải làm rõ thế nào là cơ sở giáo dục yếu tố nước ngoài, đơn vị nào quản lý và quản lý những gì…”. Theo ông Bảo, Phòng GDCYTNN ban đầu chủ yếu làm công tác quản lý hành chính. Số lượng cán bộ, chuyên viên ít, số người nắm vững về chuyên môn về chương trình, nội dung giảng dạy của các cơ sở chưa nhiều mà chủ yếu là những người có kiến thức ngoại ngữ. Chính vì vậy, chưa thể quản lý sâu về chuyên môn. Trực tiếp kiểm tra các cơ sở GDNN, ông Bảo nhận thấy, sự đối lập rất rõ nét giữa các cơ sở giáo dục này. Nhiều trung tâm có quy mô hoành tráng, bề dày kinh nghiệm hoạt động lâu năm về liên kết, ngoại giao với các nước. Trong khi đó, không ít trung tâm còn non nớt, manh mún, hoạt động thiếu chuyên nghiệp…

Học sinh được học ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài

Để có thể tích cực, chủ động tăng cường công tác Hội nhập quốc tế, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác Hội nhập quốc tế của Ngành và xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn. Nhiệm vụ trọng tâm đề ra gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức tư tưởng và bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến hội nhập quốc tế; hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác quốc tế; chỉ đạo và tham gia các hoạt động xây dựng các đề án hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài;  xúc tiến đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế; xây dựng và triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với đối tác nước ngoài; tăng cường giao lưu, tham quan học tập tại các nước trong khu vực và trên thế giới cho cán bộ, giáo viên của Ngành.

Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tại nước ngoài do Thành phố cấp kinh phí và từ nguồn xã hội hoá cũng là một trong những hoạt động được đánh giá rất cao bởi các kết quả học tập sau đào tạo. Cơ hội được ra nước ngoài học tập, giao lưu trong môi trường quốc tế, được trải nghiệm các hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học ở trường học các nước giúp cho giáo viên được mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức về giáo dục quốc tế, rút ra được những ý tưởng mới, kinh nghiệm mới để có thể áp dụng trong thực tiễn giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời tăng cường chia sẻ, giao lưu với giáo viên các nước.

Để tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, Hà Nội đã tăng cường giải pháp nâng cao trình độ tiếng Anh của cán bộ, giáo viên, học sinh. Sở đã phối hợp với Tổ chức giáo dục Apollo, Language Link tổ chức các kỳ thi Olympic tiếng Anh TH, THCS, THPT; Festival tiếng Anh; Thi tìm hiểu 1000 năm Thăng Long Hà Nội bằng tiếng Anh; các hoạt động giao lưu, thi vẽ, thi hát, thi kể chuyện.... Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Hà Nội còn phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản triển khai chương trình dạy thí điểm tiếng Nhật tại 11 trường phổ thông Hà Nội từ năm 2003. Tổ chức Festival tiếng Nhật, Lễ hội tiếng Nhật, Làm phim tiếng Nhật với ĐSQ và Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản; Chương trình giao lưu học sinh Fukuoka và Hà Nội từ năm 2010, theo đó hàng năm Hà Nội tiếp nhận 60 học sinh THPT Fukuoka và cử 20 học sinh Hà Nội sang Nhật Bản để học tập, giao lưu.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đã có những cơ hội được tham gia nhiều chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế như chương trình đối thoại Châu Á với Anh Quốc, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc...; phối hợp với Đại sứ quán Úc tài trợ cho học sinh giao lưu, trao đổi học tập tìm hiểu về nước Úc...

Các trường học của Hà Nội cũng đã tích cực, chủ động tìm kiếm và hợp tác với các cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia nhằm tăng cường hợp tác, tạo cơ hội học tập cho đội ngũ và giao lưu học sinh. Trường MGMN B Hà Nội đã có 10 năm triển khai giao lưu giáo viên, học sinh và phụ huynh với trường MG Kikyo (Nhật Bản); trường MN Việt Triều giao lưu với giáo dục Triều Tiên; Trường THPT Kim Liên cử giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên sang làm chuyên gia dài hạn cho Trường PTTH Hữu nghị Lào-Việt tại Viêng-Chăn, Lào. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tập đoàn Hoa Mỹ Tống Thành- Trung Quốc đã liên kết đào tạo đồng cấp bằng chuyên ngành nấu ăn và các hoạt động hợp tác tích cực khác với các nước Úc, New Zealand.... Các trường THPT Chu Văn An, chuyên Hà Nội Amsterdam, THCS Ngô Sỹ Liên, TH Đoàn Thị Điểm và một số trường khác đã kết nghĩa với nhiều cơ sở, tổ chức giáo dục trên thế giới để triển khai các hoạt động giao lưu giáo viên, học sinh, trại hè, tham gia các cuộc thi, hội thảo tổ chức hàng năm tại các nước và ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Tiến Trường – nguyên Trưởng phòng GDCYTNN cho biết: “Công tác giao lưu, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Các loại hình cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đa dạng, ví dụ như những trường của Đại sứ quán, những trường phi lợi nhuận…Chính vì thế, công tác quản lý rất khó khăn. Để việc quản lý hiệu quả hơn, phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài hàng năm tổ chức 2 buổi họp với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, và các trung tâm tư vấn du học để triển khai các văn bản, quy định và lắng nghe phản hồi từ những cơ sở này trong việc thực hiện những văn bản, quy định đó. Kết quả kiểm tra các cơ sở tư vấn du học, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài mà Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp cho nhân dân Thủ đô nắm được thông tin và lựa chọn những đơn vị uy tín. Đơn cử như trước đây người dân có tâm lý thấy cơ sở nào có giáo viên nước ngoài dạy là họ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, sau này, họ đã có sự sàng lọc để chọn tham gia những cơ sở thực sự có chất lượng”.

Công tác hợp tác, hội nhập giáo dục quốc tế ngày càng được Thành phố quan tâm. Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 và Bản quy hoạch phát triển hệ thống GDMN, GDPT, GDTX, GDCN Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định rõ những nội dung triển khai chương trình hành động động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục trong khu vực và các nước trên thế giới. Theo đó, Thành phố dành ưu tiên một phần nguồn vốn viện trợ cho phát triển giáo dục và đào tạo, ưu tiên đầu tư cho các trường chất lượng cao và phát triển dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường; khuyến khích các cơ sở giáo dục mở rộng, đa dạng hoá các hình thức hợp tác quốc tế với các tổ chức ở các quốc gia có bản ngữ hoặc ngôn ngữ quốc gia phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở Hà Nội; thực hiện các  chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên với nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên người nước ngoài tham gia đào tạo ngoại ngữ trong các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam; xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách về việc hợp tác quốc tế trong giảng  dạy, học tập ngoại ngữ; chính sách, chế độ thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài tham gia vào công tác đào tạo ngoại ngữ ở  trong nước; tạo cơ hội phát triển đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với loại hình trường các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài....

Chia sẻ về công tác quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hiện nay, Trưởng phòng GDCYTNN Bùi Thị Minh Nga cho biết: Không chỉ quản lý hành chính, hiện nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tập trung vào quản lý về chất lượng các cơ sở giáo dục yếu tố nước ngoài, các trung tâm tư vấn du học. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi Đề án ngoại ngữ 2020 đang được tiến hành, chúng ta cần đẩy mạnh việc đánh giá chương trình và giáo viên giảng dạy tiếng Anh. Bên cạnh kiểm tra văn bằng, chứng chỉ, trình độ chuyên môn là việc đánh giá tác phong, phương pháp giảng dạy… Đồng thời với công tác quản lý, ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục mở rộng hợp tác, thiết lập quan hệ chặt chễ với các đại sứ quán; phối hợp với những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài uy tín, chất lượng để nâng cao năng lực của giáo viên ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn Thành phố.

Những năm qua, việc tăng cường hợp tác, giao lưu giáo dục với thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục Hà Nội phát triển. Không chỉ tiếp cận được những tiến bộ của giáo dục quốc tế, Hà Nội đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức để phát triển giáo dục. Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến ở khu vực. Để đạt được mục tiêu này cần nhiều yếu tố và giải pháp phát triển. Trong đó, không thể xem nhẹ công tác giao lưu, hội nhập với giáo dục quốc tế.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 29 dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Luật đầu tư nước ngoài; 06 cơ sở nước ngoài hoạt động trên cơ sở được thành lập theo Hiệp định của Chính phủ, là văn phòng đại diện, cơ sở văn hóa giáo dục thực hiện nhiệm vụ giao lưu văn hóa, giáo dục; 129 trung tâm ngoại ngữ-tin học có yếu tố nước ngoài hoạt động theo Luật doanh nghiệp Việt Nam; 165 tổ chức dịch vụ tư vấn du học tự túc; 126 đề án hợp tác, liên kết với nước ngoài trong các trường học Hà Nội.

Nhóm PV (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 53+54, tháng 5+6/2014)

Nguồn tin: (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 53+54, tháng 5+6/2014

 

0
0 Đánh giá
5
0%
0 Đáng giá
4
0%
0 Đáng giá
3
0%
0 Đáng giá
2
0%
0 Đáng giá
1
0%
0 Đáng giá

Nội dung bình luận