\\Học sinh Trường THCS Trung Hòa trong giờ học trực tuyến. Ảnh: Vân Anh
Xây dựng những giờ học hạnh phúc
Tại giờ học môn Toán của học sinh lớp 9A4, Trường THCS Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cô Thiều Thị Hồng Loan tận tình hướng dẫn học sinh tự hệ thống kiến thức, tiến hành trao đổi để tổng kết lý thuyết và phân loại các dạng bài tập. Qua các bài tập, cô liên hệ kiến thức toán học vào thực tiễn cuộc sống, khiến tiết học luôn sôi nổi, mang lại điều bổ ích, lý thú cho học sinh.
Thay vì hình thức thầy giảng - trò nghe - trò viết, cô sử dụng phần mềm hỗ trợ với các hiệu ứng trình chiếu, tổ chức cho học sinh hình thành kiến thức bằng hoạt động học tập. Khả năng minh họa sinh động của công nghệ thông tin đã giúp học sinh nhanh chóng tiếp thu bài học.
Hoàng Thu Hằng, học sinh lớp 9A4, cho biết rất hứng thú với bài giảng và cảm thấy hạnh phúc khi được vào phòng học Zoom để gặp thầy cô, các bạn. Tuy học trực tuyến không thể như trực tiếp nhưng lớp học luôn tràn ngập tình yêu thương bởi tất cả như người chung một nhà.
Để học sinh thực sự hạnh phúc với những bài giảng trực tuyến, cô Loan đã đổi mới phương pháp dạy học sao cho học trò thực sự hứng thú. Nhiều đêm cô gần như thức trắng để tham khảo bài giảng, đặt mình vào vị trí của học trò khi soạn giáo án để từ đó xây dựng nên bài giảng dễ hiểu nhất.
Còn cô Nguyễn Thị Thiêm - giáo viên Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) - chia sẻ: Cũng như những giờ học trực tiếp trên lớp, học trực tuyến cần tạo cho học sinh không gian hạnh phúc. Học sinh sẽ yêu thích các giờ học nếu ở đó các em được lên tiếng và được lắng nghe một cách tôn trọng.
Thay vì la mắng, dọa dẫm, giáo viên cho học sinh được sai lầm, được nói ra cảm xúc, quan điểm của mình trong mỗi bài học là liên hệ với cuộc sống, giúp các em tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Qua đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung của mỗi học sinh.
Trong mỗi tiết học, cô Thiêm luôn tìm ra “kế sách” linh hoạt để làm mềm hóa không khí, quan hệ thầy trò. Cô luôn tìm ví dụ thực tiễn trong các bài toán để học sinh hiểu hơn về bài học, ứng dụng thực tế để giải thích cho các bài học lý thuyết.
Để minh họa cho bài học về phép tịnh tiến, cô giải thích cho học sinh rằng hàng ngày các em vẫn thường xuyên tịnh tiến theo nhiều các véc tơ khác nhau. Còn bài học về ba điểm trên một mặt phẳng, cô giải thích bài học qua câu thành ngữ “vững như kiềng ba chân”... Do đó, những bài học trở nên thiết thực, gần gũi hơn.
Trường THCS Cổ Loa tiếp sức học sinh đến trường. Ảnh: NTCC
Tạo dựng những lớp học yêu thương
Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên thì công tác chỉ đạo của người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng trong việc xây dựng những lớp học hạnh phúc. Cô Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) - chia sẻ: Việc xây dựng những giờ học hạnh phúc, lớp học yêu thương là mục tiêu, đích đến của nhà trường từ nhiều năm nay.
Năm học này, việc xây dựng những lớp học hạnh phúc trong những giờ học trực tuyến được nhà trường đặc biệt quan tâm để các em hứng thú hơn. Mục đích tiếp theo là giải tỏa tâm lý cho các em khi thời gian học tập kéo dài, dễ nảy sinh các vấn đề về tâm lý.
Để các giờ học trực tuyến hiệu quả, Trường THCS Cao Bá Quát đã mời các chuyên gia chia sẻ về phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Qua các chuyên đề, giáo viên nhận thức được vai trò của mình, tích cực đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để tiết dạy trở nên lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.
Còn cô Nguyễn Thị Thuần - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) - cho rằng: Hạnh phúc được tạo dựng khi mọi người cùng quan tâm, sẻ chia. Là ngôi trường có nhiều học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và khó khăn nhất huyện, cô quan tâm đến công tác từ thiện nhằm giúp đỡ những em khó khăn có điều kiện học tập, lan tỏa tình thương yêu, cảm nhận hạnh phúc.
Trong đợt dịch này, cô Thuần cùng cán bộ, giáo viên đến tận nhà học sinh tặng quà, giúp các em vượt qua khó khăn, tự tin hơn trong cuộc sống. Nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo trong quá trình học tập trực tuyến, cô đã huy động sự vào cuộc của cán bộ giáo viên, phụ huynh và các nhà tài trợ tặng máy tính, điện thoại thông minh, iPad, lắp đặt mạng cho các em.
Xác định nhiệm vụ chính của nhà trường là giảng dạy, giáo dục học sinh nên cô cũng chú trọng tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, truyền lửa, tiếp sức cho mọi người. Theo cô Thuần, việc tạo hạnh phúc trong các lớp học trực tuyến rất cần thiết bởi khi hạnh phúc thì các em mới có hứng thú theo học và hoạt động giáo dục mới đạt được kết quả cao.
Chị Ngô Thị Bảy - phụ huynh học sinh Trường THCS Cổ Loa - cho biết, trong thời gian học trực tuyến, con đều học đúng giờ và học đầy đủ. Con rất hứng thú khi tham gia vào lớp học vì ở đó con được gặp thầy cô, bạn bè. Tuy chưa thể đến trường nhưng con luôn cảm thấy hạnh phúc vì vẫn được đi học, phát biểu xây dựng bài cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp.
Theo cô Loan, trong lớp học trực tuyến, học sinh cũng cần được “yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Nỗ lực xây dựng những giờ học hạnh phúc sẽ giúp giáo viên và học sinh hình thành, duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 dễ gây những khủng hoảng về tâm lý, bất ổn tinh thần.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/