Chỉ mấy giờ nữa thôi, đám mây đen ám ảnh bầu trời Hà Nội 9 năm qua sẽ tan đi. Bình minh sẽ rực hồng thành phố. Hà Nội lại về ta. Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại trọn vẹn là vị trí trung tâm đất nước. Câu ca của nhạc sĩ Văn Cao dự báo đã thành hiện thực: “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần, Hà Nội bừng Tiến quân ca…”
Đêm ấy, chỉ vắng lặng ở ngoài đường, còn trong các ngôi nhà là cả một sự chuẩn bị sôi nổi, hào hứng. Người ta lôi những bộ quần áo đẹp nhất trong tủ ra để đi đón đoàn quân chiến thắng trở về với vòng nguyệt quế. Trong những mái nhà tranh ở các xóm lao động, đã nhiều đêm máy may chạy hết công suất để lớp lớp cờ Tổ quốc to, nhỏ ra đời.
Các cửa hiệu vải lụa ở Hàng Đào, Hàng Ngang cũng như các sạp vải chợ Đồng Xuân đều không còn một thước vải lụa đỏ, vàng nào.
Lúc 5 giờ chiều hôm trước, khi đoàn bộ đội tiền trạm của ta vào tiếp quản xong ga Hà Nội, phủ toàn quyền, phủ khâm sai Bắc Bộ, khu Đồn Thủy… toán quân Pháp cuối cùng lầm lũi rút qua cầu sông Cái, thì những cổng chào ở Bạch Mai, Cầu Giấy, Cửa Nam, Hàng Gai, Hàng Đào… đã đua nhau được dựng lên. Có cái làm bằng cột gỗ chắc chắn, có cái chỉ tre, nứa, lá dừa, nhưng tất cả đều có ảnh chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh ở chính giữa, nơi cao nhất.
Đó là những bức họa theo ảnh nhỏ mà người dân cất giữ ở đáy hòm bao năm được lấy ra cho các anh họa sĩ truyền thần phóng to lên bằng đủ các chất liệu: Sơn dầu, màu nước, mực nho để kịp đón ngày Giải phóng thủ đô.
Tờ mờ sáng mùng 10, các đường phố đã vang lên tiếng rao của các em bán báo: “Báo Nhân dân số đầu tiên phát hành ở Hà Nội đây! Báo Tin tức của Ủy ban quân quản thành phố đây!”
Cả Hà Nội đổ ra đường. Họ dồn đều các đoạn đường, các cửa ô mà quân ta tiến vào: Kim Mã, Hàng Đẫy ở phía Tây. Bạch Mai, Phố Huế ở phía Nam. Trên tay mỗi người là lá quốc kỳ, là những bông hoa còn đượm hương Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Quảng Bá, Tây Hồ…
Tiếng reo hò vang lên khi xuất hiện hai chiếc ô tô mui trần dẫn đầu từ Việt Nam học xá ra phố Bạch Mai tiến vào thành phố.
Chiếc xe trước có tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính, xe sau là bác sĩ Trần Duy Hưng – Phó chủ tịch UB quân chính, mà mọi người đã biết ông khi làm Chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội đầu tiên sau cách mạng tháng Tám. Cả hai đứng trên xe, giơ tay vẫy chào đồng bào. Những bó hoa tươi tới tấp đưa lên và lại được trao lại cho bà con đứng đón.
Vui biết mấy khi hai người con của Hà Nội lại vinh dự được trao sứ mệnh về giải phóng Hà Nội. Hộ tống hai vị là cả một đoàn dài bộ đội cơ giới và pháo binh.
Lần đầu tiên, nhân dân trong vùng địch tạm chiếm được tận mắt thấy những khẩu đại bác, cao xạ ánh màu thép xanh và những chiến sĩ sao tròn trên mũ trong bộ quân trang còn thơm mùi vải.
Hồ Gươm là trung tâm hội tụ cả ngàn quân vào. Cánh quân phía Tây do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, anh hùng quân đội dẫn dầu, cũng qua đây rồi mới rẽ vào Hàng Đào, Hàng Ngang ra Hàng Đậu để vào thành cổ Hà Nội.
Bài “Tiến về Hà Nội” không lúc nào ngớt trong khoảng trời xanh thành phố. Người ta hát bằng cả lồng ngực mang trái tim nóng bỏng lòng yêu nước của mình. Hoa tươi lại từ tay bộ đội trao lại các mẹ, các chị, các em đón bên đường. Vui mừng mà mắt ai cũng long lanh giọt lệ.
15 giờ. Còi nhà hát lớn vang lên.
Sân cột cờ đã kín người. Các binh đội dàn quân hàng ngũ chỉnh tề, xe pháo ngăn nắp. Nhạc kèn nổi lên bài hát Quốc Ca. Lá cờ đỏ sao vàng lớn được gió thu bay phần phật từ từ được kéo lên đỉnh kỳ đài cao ngất.
Ôi chao! Đây là lần đầu tiên lá cờ Tổ quốc được sải dài cánh gió trên đỉnh cột. Chín năm trước, dù cách mạng đã thành công, nhưng thành Hà Nội vẫn do quân Pháp, quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật thua trận chiếm giữ.
Đến nay, Hà Nội mới thật sạch bóng quân thù. Cột cờ đã phấp phới lá cờ tổ quốc yêu thương. Có ai không xúc động tận đáy lòng!
60 năm đã đi qua. Hà Nội đã chứng kiến biết bao trang sử hào hùng của một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, của những năm đấu tranh quyết liệt trong lòng địch, không cho chúng ăn ngon, ngủ yên thời Pháp chiếm đóng. Rồi thời chống Mỹ với hai lần đối mặt với máy bay Mỹ. Cuối cùng đập tan uy lực không quân B52 của chúng, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không vẻ vang, buộc chúng phải rút quân về nước.
Dấu ấn về ngày Thủ đô giải phóng vẫn in đậm trong tâm khảm của những người con Hà Nội đã được tận mắt chứng kiến ngày lịch sử ấy. Đó như những câu chuyện cổ tích để ông bà, cha mẹ kể lại cho các con, cháu nghe.
Cảm xúc thăng hoa Hà Nội tháng Mười 1954 còn mãi mãi trong ta, thôi thúc ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững đất nghìn năm văn vật và anh hùng, cũng như trải lòng ta với các chiến sĩ nơi hải đảo xa đang vững tâm kiên trì tranh đấu quyết giữ trọn biển trời của Tổ quốc, một tấc không đi, một li không dời, thực hiện truyền thống của cha ông ta: “Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn”.
Tác giả bài viết: Giang Quân
Nguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 57, tháng 10/2014