Những khó khăn từ năm trước không những chưa thể cải thiện được mà có phần căng thẳng hơn do kiến thức càng lên lớp cao càng khó. Để dạy được những phân môn chưa qua đào tạo, giáo viên dạy môn tích hợp đang đứng trước rất nhiều thách thức. Học sinh cũng gặp không ít thiệt thòi khi nhiều nơi chất lượng của những tiết học còn hạn chế.
Áp lực mỗi khi lên lớp
Theo Chương trình GDPT 2018, ở bậc THCS có hai bộ môn tích hợp mới là Khoa học tự nhiên (KHTN) và Lịch sử-Địa lý. Môn KHTN được tích hợp kiến thức từ 3 môn, gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học. Để đáp ứng yêu cầu, giai đoạn này, những thầy giáo, cô giáo dạy môn tích hợp đều tham gia các lớp tập huấn. Điều khiến nhiều người băn khoăn là các khóa đào tạo chứng chỉ tích hợp ngắn hạn liệu có bảo đảm chất lượng khi thực tế một giáo viên phải mất 4 năm trui rèn, ra trường mới chỉ đủ năng lực giảng dạy đơn môn.
Cô và trò Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) trong tiết học môn tích hợp.
Dù đã hoàn thành chứng chỉ dạy tích hợp nhưng việc soạn được một bài giảng tích hợp Lịch sử-Địa lý vẫn là khó khăn đối với cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). Bởi 18 năm chỉ dạy Lịch sử nên việc bồi dưỡng kiến thức Địa lý trong hai tháng không thể giúp cô khơi thông hoàn toàn để tự tin đứng lớp dạy tích hợp cả hai phân môn này. Cô Lan Anh cho biết: “Trong phân môn Địa lý, lượng kiến thức nghiêng nhiều về tự nhiên, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Trong thời gian ngắn đọc tài liệu, sách giáo khoa hay dự bồi dưỡng một vài chuyên môn chưa đủ lượng kiến thức để chúng tôi có thể đảm nhận được hai phân môn Lịch sử và Địa lý”.
Nếu tích hợp môn xã hội khó một thì dạy tích hợp KHTN còn có phần khó hơn và càng lên lớp cao càng khó. Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên dạy tích hợp, Trường THCS Hòa Nam (Ứng Hòa, Hà Nội) sắp xếp 3 giáo viên dạy môn KHTN, trong đó mỗi người dạy một phân môn. Nhưng năm nay cách làm này đã trở nên khó thực hiện khi có đến hai khối lớp 6 và 7 cùng có môn học này. Giải pháp đưa ra là mỗi giáo viên dạy môn KHTN đều phải đảm nhận dạy toàn bộ. Cô Dương Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam cho biết: “Trường có 6 giáo viên dạy tích hợp thì cả 6 người đều chưa có chứng chỉ dạy tích hợp. Các giáo viên đã đăng ký lớp bồi dưỡng và tự học tập để đáp ứng yêu cầu mới. Về lâu dài, trường vẫn cần những giáo viên được đào tạo bài bản, đáp ứng được chương trình, sách giáo khoa mới”.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý cộng với kinh nghiệm hơn 10 năm đứng lớp, cô Nguyễn Diệu Hồng, giáo viên Trường THCS Hòa Nam chỉ cảm thấy thực sự tự tin và mở rộng kiến thức khi bài giảng nằm trong lĩnh vực Vật lý. Với những phần kiến thức thuộc lĩnh vực Hóa học và Sinh học, cô chủ yếu vận dụng những kiến thức từ thời đi học. Dù đã tích cực trau dồi kiến thức, tham khảo thêm các đồng nghiệp nhưng bản thân cô hiểu kiến thức mà mình có được cũng có phần hạn chế, việc dạy chỉ dừng lại ở mức độ truyền thụ kiến thức từ sách giáo khoa. Tương tự, cảm giác thiếu tự tin, phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa khiến cho không khí tiết học liên quan tới phân môn Hóa học lớp 7 của cô giáo Lê Thị Thùy Linh (Trường THCS Hòa Nam) khá trầm lắng.
Mỗi nhà trường, mỗi địa phương sẽ cần có những tính toán riêng để kịp thời khắc phục những khó khăn khi phải thực hiện chương trình mới với đội ngũ cũ. Về lâu dài, không thể để giáo viên chưa được đào tạo phải “tự bơi” để vừa dạy vừa hoàn thiện kiến thức khiến mỗi giờ lên lớp vẫn còn những lúng túng và áp lực.
Giáo viên phát huy tinh thần đồng đội
Dạy học tích hợp không chỉ là thời cơ thay đổi của giáo viên mà còn là xu hướng của nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, thay đổi thế nào, giải pháp ra sao để đối tượng thụ hưởng là các em học sinh không phải chịu thiệt thòi vẫn là điều còn nhiều thách thức.
Học sinh Trường THCS Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong tiết học môn tích hợp.
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Với môn KHTN, nhà trường chọn giải pháp dạy theo trình tự tuyến tính trong sách giáo khoa và linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu lớp 7 theo giai đoạn, cố gắng đến phân môn nào, giáo viên môn đó dạy. Những chuyên đề tích hợp, kiến thức giao thoa, các giáo viên sinh hoạt trong nhóm chuyên môn trao đổi, bổ trợ nhau, cử một giáo viên dạy để bảo đảm hoàn thành giảng dạy nội dung môn học. Tuy nhiên, sang năm, việc sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp sẽ khó khăn hơn nếu nguồn giáo viên vẫn thiếu”.
Thời điểm này, giáo viên Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đều có chứng chỉ bồi dưỡng môn KHTN và Lịch sử-Địa lý. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào có chứng chỉ cũng đều sẵn sàng giảng dạy các môn tích hợp. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết: “Hiện nay, các thầy cô dạy môn KHTN đã đảm nhiệm một mình, môn Lịch sử-Địa lý vẫn phải phân công hai giáo viên dạy. Nhà trường xác định đây là lộ trình lâu dài và tính bằng năm”.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, từ năm sau, những khó khăn càng rõ nét hơn khi học sinh khối lớp 8, 9 sẽ bắt đầu học theo chương trình mới, buộc nhiều giáo viên phải dạy một bộ môn. “Cùng với việc giáo viên tự nghiên cứu, trường mời thêm chuyên gia về bồi dưỡng. Việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn cũng là một giải pháp. Người chuyên sâu về vấn đề nào sẽ hướng dẫn lại đồng nghiệp một cách cụ thể, theo từng chủ đề. Bài khó đến đâu gỡ đến đấy, không để giáo viên thiếu tự tin khi lên lớp và học sinh bị thiệt thòi”, thầy Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Trước những băn khoăn về việc dạy và học tích hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hướng dẫn các trường sắp xếp để 3 giáo viên thuộc 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung. Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cho các nhà trường. Các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS linh hoạt trong phân công giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu dạy môn tích hợp KHTN bảo đảm tính khoa học của chương trình môn học và giúp học sinh tiếp thu thuận lợi kiến thức. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Hiện Bộ GD-ĐT đang duy trì 9 module tập huấn giáo viên dạy môn tích hợp. Trong quá trình triển khai, hơn 9.000 giáo viên cốt cán đã được tập huấn và sẽ tăng cường trong thời gian tới.
Năm 2019 mới có mã ngành Sư phạm Lịch sử-Địa lý, KHTN. Theo lộ trình, kết thúc năm học 2022-2023 mới có khoảng 60 sinh viên đầu tiên ra trường. Con số này quá nhỏ so với hàng nghìn trường THCS trên cả nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã bước sang năm thứ 10. Để đạt mục tiêu, chương trình mới chỉ là điều kiện cần, còn phải kèm theo cả điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Có như vậy, việc đổi mới mới thực sự hiệu quả và trọn vẹn.
Bài và ảnh: THU HÀ
Nguồn: https://www.qdnd.vn/