Vấn đề không của riêng nước nào
Những nước được xếp vào dạng có tỉ lệ học sinh thiếu ngủ cao nhất theo so sánh của Đại học Boston bao gồm New Zealand, Ả-rập, Úc, Anh, Pháp và Ireland. Đáng chú ý nhất trong cuộc so sánh này là Phần Lan- một nước có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới cũng được liệt vào danh sách. Trái lại, những nước có tỉ lệ học sinh ngủ đủ giấc nhất bao gồm Kazakhstan, Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha và bất ngờ nhất là Nhật Bản.
Cuộc điều tra trên cũng nằm trong một quá trình thu thập thông tin nhằm xếp hạng chất lượng giáo dục của các nước trên thế giới, được thực hiện bởi Tổ chức nghiên cứu Toán học và Khoa học (TIMSS) và Tổ chức nghiên cứu Văn học (PIRLS). Mục đích của quá trình thu thập thông tin trên là để đưa ra một bảng xếp hạng tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, dựa trên nhiều bài kiểm tra cho hơn 900 nghìn học sinh ở các trường cấp 1 và cấp 2 của hơn 50 quốc gia khác nhau thuộc nhiều châu lục. Kết quả bảng xếp hạng đã được đưa ra vào năm ngoái và hệ thống giáo dục châu Á đang dẫn đầu bảng xếp hạng, đặc biệt là trong các môn học như Toán, Khoa học và môn đọc.
Để thu thập dữ liệu cho bảng xếp hạng này, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu thêm chất lượng cuộc sống của các học sinh trong gia đình qua các khía cạnh như khả năng tài chính hay mức nghèo của gia đình, nhưng Đại học Boston lại muốn thu thập dữ liệu từ những khía cạnh khác như chất lượng giấc ngủ và dinh dưỡng của học sinh. Do đó, các giáo viên và gia đình đã cung cấp thông tin về giấc ngủ của trẻ và những thông tin này được đối chiếu với kết quả học tập trong các môn được giới thiệu ở trên như Toán, Khoa học và môn đọc để rút ra mối liên hệ.
“Chúng ta có thói quen đánh giá thấp lợi ích của giấc ngủ. Theo cuộc điều tra của chúng tôi trên toàn thế giới, những trẻ em được ngủ đủ giấc có kết quả học tập tốt hơn trong môn Toán, Khoa học và môn đọc. Điều này đã được chứng minh rõ ràng trong những nghiên cứu gần đây”, ông Chad Minnich đến từ tổ chức TIMSS đã kết luận.
Cũng theo ông Minnich, trường Giáo dục Lynch của Đại học Boston- đơn vị nghiên cứu cho bảng xếp hạng này đã chỉ ra “mối liên hệ tương tự với tỉ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng”. Ông nói: “Nếu một học sinh không thể tập trung trên lớp thì học sinh này sẽ khó có thể đạt được khả năng học tập tối ưu, vì lúc đó cơ thể và trí não cần một thứ gì đó cần thiết hơn. Trong một lớp học mà tỉ lệ học sinh thiếu ngủ đạt mức cao, chất lượng học tập của cả lớp đó sẽ giảm sút. Giáo viên sẽ phải soạn giáo án và thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng với những học sinh thiếu ngủ này và chính những học sinh này sẽ làm công tác giảng dạy của lớp gặp nhiều vấn đề”.
Điều đó cũng có nghĩa rằng kể cả những học sinh có giấc ngủ đủ trong lớp cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các học sinh có giấc ngủ không chất lượng.
Bảng thống kê tỉ lệ thiếu ngủ của học sinh trong độ tuổi từ 9 đến 10 trong các bài kiểm tra Toán và Khoa học. Nước đứng đầu là Mỹ với 73%, sau đó là New Zealand và Ả-rập. Kazakhstan có tỉ lệ thấp nhất với 12%. (Số liệu của Đại học Boston, sử sụng thông tin của giáo viên trong lớp học từ 50 quốc gia)
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thiếu ngủ của học sinh
Độ tuổi của học sinh là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ. Ví dụ cho trường hợp này là ở Hàn Quốc khi nước này có tỉ lệ học sinh thiếu ngủ trong độ tuổi cấp 1 đạt mức thấp nhất thế giới, nhưng khi bước vào cấp 2 thì tỉ lệ này lại tăng đáng kể và đưa Hàn Quốc trở thành nước có tỉ lệ trẻ thiếu ngủ trong độ tuổi trung học cơ sở đạt mức cao nhất.
Vị trí địa lí cũng là một tác nhân cho tỉ lệ thiếu ngủ của học sinh. Theo đó thì ở nước Mỹ, tỉ lệ học sinh thiếu ngủ trong độ tuổi trung học cơ sở của bang Colorado cao hơn tỉ lệ này tại bang Massachusetts.
Tuy vậy, có một câu hỏi mà cuộc nghiên cứu này chưa trả lời được, đó là nguyên nhân của việc học sinh thiếu ngủ và hơn nữa là nguyên nhân tại sao tỉ lệ học sinh thiếu ngủ ở những nước đã phát triển lại cao hơn những nước đang phát triển. Các nhà nghiên cứu dù chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng họ phỏng đoán rằng sự lạm dụng các thiết bị điện tử của trẻ em vào ban đêm, đặc biệt là điện thoại và máy tính, có thể là nguyên nhân chính cho tỉ lệ trẻ em thiếu ngủ đang ngày một gia tăng.
Một cuộc so sánh về tỉ lệ học sinh thiếu ngủ giữa các nước trên thế giới của Đại học Boston (Mỹ) đã chỉ ra nước Mỹ đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng với 73% trẻ từ 9 đến 10 tuổi và 80% trẻ từ 13 đến 14 tuổi được các giáo viên trong lớp báo cáo là “phong độ học tập giảm sút do thiếu ngủ”. Cũng trong cuộc so sánh này, 76% trẻ từ 9 đến 10 tuổi được cho là thiếu ngủ trong những kì kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra Văn học. Tỉ lệ này ở Mỹ cao hơn rất nhiều khi so sánh với tỉ lệ trung bình của trẻ thiếu ngủ trên thế giới là 47%, với tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi trung học cơ sở là 57%.
Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ
Vấn đề thiếu ngủ của trẻ em không chỉ bắt nguồn từ việc nhắn tin hay lướt Web. Ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại hay máy tính cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và quan trọng hơn là sức khỏe của trẻ em.
“Nhìn vào màn hình máy tính từ khoảng cách 20cm có nguy cơ khiến trẻ em tiếp xúc với luồng ánh sáng mạnh hơn rất nhiều so với việc ngồi đối diện xem TV ở căn phòng”, ông Karrie Flitzpatrick- chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ của Đại học Bắc Illinois đã kết luận. Theo ông thì tác động của ánh sáng sẽ làm bộ não bạn không thể nghỉ ngơi và phải tiếp tục hoạt động, nó sẽ tác động đến đồng hồ sinh học của trẻ và phát tín hiệu cho bộ não theo kiểu “Đợi đã, còn chưa đến lúc đi ngủ đâu”.
Sự thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến thể chất của học sinh và gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng học của trẻ đó. Theo ông Derk- Jan Dijik, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ của trường Đại học Surey (Anh), thiếu ngủ là một yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ của học sinh. Theo các nghiên cứu của trường đại học này, sự rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng xấu đến chức năng bộ não và tác động xấu đến khả năng ghi nhớ kiến thức và tổng hợp thông tin của học sinh. Nếu không được ngủ đủ giấc, bộ não sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hấp thụ và lưu giữ kiến thức. Theo giáo sư Dijik thì “mối liên hệ giữa ngủ đủ giấc và khả năng học tập của học sinh đang dần được quan tâm”.
Tác hại có thể được đẩy lùi
Theo tiến sĩ Flitzpatrick, sự thiếu ngủ sẽ khiến học sinh thay đổi tâm tính thất thường, dễ bị xao nhãng và phải vất vả trong quá trình học tập trên lớp và trong thời gian dài thì sự thiếu ngủ sẽ làm rối loạn chức năng của bộ não trong quá trình lưu giữ thông tin.
Tuy nhiên, nếu trẻ em bắt đầu ngủ đủ giấc từ bây giờ theo một thời gian biểu đều đặn, các tác hại trên có thể bị đẩy lùi. “Chừng nào bạn không bị rơi vào trạng thái thiếu ngủ thường xuyên, bạn đều đặn ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi ngày và trong quá trình ngủ không có sự xen ngang của các các yếu tố bên ngoài, bạn sẽ khôi phục lại các chức năng của bộ não trong việc tổng hợp, xử lí và lưu trữ thông tin. Khả năng học tập của bộ não sẽ quay về mức bình thường, và nếu cứ tiếp tục học mà không ngủ đủ giấc thì học sinh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì lúc đấy bộ não bạn sẽ hoàn toàn rỗng”, Tiến sĩ nói.
Tác giả bài viết: Quang Tùng (Tổng hợp từ BBC Business)
Nguồn tin: - Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 58+59, tháng 11/2014