Học sinh Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) trao đổi thông tin Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa
Tập trung định hướng học sinh, lên quy trình xử lý hồ sơ
Trước khi có thông tin chính thức về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi đã có bước chuẩn bị cho hoạt động đăng ký dự thi, xét tuyển của thí sinh. Chia sẻ của Hiệu trưởng Đinh Duy Quang, với 601 học sinh lớp 12, trường đã hoàn thành việc cho học sinh đăng ký bài thi (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), có xác nhận của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, sử dụng thông tin của học sinh trong phần mềm Smas (chứa họ tên, ngày sinh, nơi sinh, số chứng minh nhân dân, bảng điểm 6 môn thi, học lực, hạnh kiểm, điểm trung bình lớp 12, diện ưu tiên, diện khuyến khích, khối thi…). Sau đó, in kiểm dò thông tin cho học sinh và giáo viên chủ nhiệm ký xác nhận; tổ chức kiểm dò chéo giữa các lớp. Bước đầu tiên này giúp hạn chế sai sót, bảo đảm độ chính xác thông tin thí sinh.
Sau khi có Quy chế và thông tin thi tốt nghiệp THPT, thông tin xét tuyển ĐH, CĐ, bộ phận làm hồ sơ tuyển sinh của nhà trường có trách nhiệm làm file mẫu và hướng dẫn học sinh ghi hồ sơ đúng theo quy định, hạn chế sai sót. Việc hướng dẫn và tư vấn học sinh được thực hiện đồng bộ qua nhiều kênh: Tư vấn trực tiếp; trên website tuyển sinh của trường; website của Bộ GD&ĐT; in tài liệu chuyển về các lớp.
“Khi triển khai đăng ký dự thi, bộ phận tuyển sinh sẽ thu nhận hồ sơ theo lớp. Dựa vào thông tin hồ sơ của học sinh, cán bộ phụ trách nhập dữ liệu vào phần mềm tuyển sinh, báo ngay cho học sinh để chỉnh sửa nếu có sai sót. Bước kiểm dò, chỉnh sửa sai sót hoặc thay đổi được đặc biệt chú trọng. Theo đó, bộ phận tuyển sinh sẽ kiểm dò lần 1 (theo bản in); tiếp đến thực hiện kiểm dò chéo. Học sinh kiểm dò lần 3 (có bản in từng học sinh và ký xác nhận chịu trách nhiệm). Giáo viên chủ nhiệm kiểm dò lần 4 (ký xác nhận và chịu trách nhiệm). Cuối cùng bộ phận tuyển sinh chỉnh sửa sai sót và để học sinh xác nhận đã chỉnh sửa. Dữ liệu sau khi hoàn thành được gửi về sở GD&ĐT.” – thầy Đinh Duy Quang cho biết.
Học sinh lớp 12 tập trung ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp.
Tại Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, việc định hướng học sinh được quan tâm đặc biệt trước thời gian đăng ký dự thi. Hiệu trưởng Trần Thị Hải Yến cho rằng: Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đồng thời với đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ nên học sinh cần thu thập đầy đủ thông tin và phương thức tuyển sinh của mỗi trường, ngành mà mình quan tâm để tận dụng thế mạnh của cá nhân. Học sinh cần chọn ngành học phù hợp với sở thích, khả năng, điều kiện kinh tế gia đình mới thuận lợi khi học, đam mê khi theo nghề. Nắm chắc quy chế cũng rất quan trọng. Ví dụ năm nay các em có thể được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, nhưng không nên lạm dụng điều này.
Chỉ tiếp nhận hồ sơ hợp lệ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Vĩnh Phúc dự kiến có 14.260 thí sinh; trong đó 10.450 thí sinh THPT, 3.210 thí sinh giáo dục thường xuyên và 600 thí sinh tự do; tăng khoảng 2.000 thí sinh so với năm 2020. Địa phương dự kiến bố trí 27 điểm thi với 605 phòng thi; tăng khoảng 80 phòng thi so với năm trước.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Sở chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn cho cán bộ sử dụng phần mềm hệ thống Quản lý thi của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, rà soát danh sách và thông tin có liên quan đến trường phổ thông, đơn vị đăng ký dự thi thuộc phạm vi của sở GD&ĐT quản lý và cấp tài khoản cho đơn vị đăng ký dự thi; rà soát các điều kiện về khu vực ưu tiên của thí sinh.
Các trường cần có những hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đăng ký dự thi.
Với các trường, ông Hoàng Minh Tuấn nhấn mạnh cần hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi theo Văn bản 1318 ngày 5/4/2021 của Bộ GD&ĐT. Nhà trường, thầy cô hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ và điền vào Phiếu đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 đầy đủ, đúng các thông tin; nhập liệu vào phần mềm quản lý thi xong trước ngày 11/5. Các trường đồng thời rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để bảo đảm độ chính xác thông tin thí sinh điền vào Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm. Xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh; tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
“Các nhà trường cần tổ chức cho học sinh làm thẻ căn cước công dân trước ngày đăng ký dự thi. Tránh việc thí sinh dùng mã do hệ thống Quản lý thi tự sinh ra dẫn tới phải điều chỉnh nếu trước khi thi thí sinh được cấp căn cước công dân. Với thí sinh: Khi được cấp tài khoản và mật khẩu trên hệ thống Quản lý thi nên thay đổi ngay mật khẩu. Thí sinh cần phải bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình, tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu cho người khác tránh việc thay đổi thông tin gây sai lệch trong kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu có thể liên hệ với đơn vị đăng ký dự thi để cấp lại” - ông Hoàng Minh Tuấn khuyến nghị.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký dự thi diễn ra từ ngày 27/4 - 11/5. Các trường phố thông chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ và điền vào phiếu đăng ký dự thi đầy đủ và đúng các thông tin. Các sở GD&ĐT được quyết định nơi đăng ký dự thi bảo đảm thuận tiện cho thí sinh. Đơn vị đăng ký dự thi chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho đăng ký dự thi (nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy vi tính, phiếu đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, túi hồ sơ…).
Nguồn: Báo giaoducthoidai.vn